Từ 1/7, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (ĐH) chính thức có hiệu lực. Khối ngành sức khỏe sẽ có điểm sàn riêng, tác động trực tiếp tới công tác tuyển sinh trong thời gian tới. Song song với đó, nhiều trường sẽ sử dụng tiêu chí phụ để tìm ra người học có động cơ và tố chất phù hợp với ngành này.
Nhu cầu nhân lực cao ở nhóm ngành sức khỏe
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2017, trên cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo về lĩnh vực y tế, riêng ngành Y đa khoa có 24 trường. Trong khi đó, trung bình mỗi năm các bệnh viện cần khoảng hơn 5.000 bác sĩ, hơn 1.400 dược sĩ, hơn 10.000 điều dưỡng và hơn 5.000 chuyên viên y tế, sức khỏe khác. Đối với các chuyên môn về y tế dự phòng, các bệnh viện cần khoảng hơn 2.000 ứng viên có tay nghề và trình độ chuyên môn.
Tính đến hết năm 2017 cả nước có 8 bác sĩ/10 nghìn dân. Theo Kế hoạch phát triển nhân lực ngành y tế giai đoạn 2015 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 9 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học và 16 điều dưỡng/10 nghìn dân. Bộ Y tế dự báo đến năm 2020, hệ thống cần bổ sung 55.254 bác sĩ, 10.887 dược sĩ đại học, 83.851 điều dưỡng.
Như vậy, nhu cầu nhân lực của thị trường lao động đối với khối ngành đào tạo sức khỏe là rất cao. Vì vậy, những năm gần đây, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe tuyển sinh rất tốt nên khá nhiều trường ĐH, CĐ mở ngành này. Điều đáng nói, điểm xét tuyển bên cạnh một số trường cao chót vót, chủ yếu là hệ thống trường công lập thì một số trường ngoài công lập lại hạ xuống mức thấp chưa từng có như năm 2018 để tuyển mà bỏ qua yếu tố chất lượng đầu vào.
Đơn cử, hiện nay ở khối trường công lập, nhóm ngành sức khỏe hầu như chỉ được đào tạo ở những trường đào tạo chuyên biệt như Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Thái Bình, ĐH Y Dược - ĐH Huế, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Y Dược TP HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch,...
Với khối trường ngoài công lập, năm 2018, điểm chuẩn của ngành Y đa khoa và Răng hàm mặt của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là 18 điểm (trường không xét học bạ với 2 ngành này). Ngành Dược học và Điều dưỡng của trường có điểm chuẩn là 16 điểm.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2018 có điểm chuẩn của ngành Răng hàm mặt là 18,5 điểm. Năm 2019, trường dự kiến mở thêm 2 ngành mới thuộc nhóm ngành sức khỏe là Hộ sinh và Y khoa, bên cạnh các ngành đã có từ trước là Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Trường ĐH Công nghệ TP HCM năm nay tiếp tục tuyển sinh ngành Dược học và dự kiến mở 2 ngành mới là Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y học. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bên cạnh 3 ngành đang tổ chức đào tạo là Y học dự phòng, Dược học, Điều dưỡng thì năm nay trường dự kiến mở mới ngành Y khoa… Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng tuyển sinh ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng…
Điểm sàn và tiêu chí phụ
Đối với quy định ngành sức khỏe sẽ có điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) sẽ chỉ tính cho những ngành có cấp chứng chỉ hành nghề chứ không phải tất cả các ngành, cụ thể như Y đa khoa, Răng - hàm - mặt, Y học cổ truyền, Dược… Các ngành như kỹ thuật y sinh thì không nằm trong trường hợp này. Về định mức điểm sàn như thế nào cho phù hợp, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, sau khi có kết quả thi, bộ sẽ cùng các trường tính toán để đưa ra mức điểm tối thiểu được cả hệ thống và xã hội chấp nhận.
Bên cạnh đó, đối với phương thức tuyển sinh bằng học bạ, dự kiến chỉ những thí sinh có học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển vào các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt khiến một số trường lo lắng về nguồn tuyển. Theo lý giải của các chuyên gia, để xếp loại giỏi, điểm trung bình của học sinh phải từ 8.0 trở lên kèm điều kiện phụ là toán hoặc văn phải từ 8.0 trở lên, các môn khác không môn nào dưới 6,5. Đây là học sinh giỏi toàn diện trong khi thực tế ngành học cần thí sinh có điểm mạnh ở một số môn trong tổ hợp xét tuyển. Vì vậy, có ý kiến đề xuất chỉ xem xét điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển sẽ phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, thí sinh cần lưu ý các tiêu chí phụ trong tuyển sinh của từng trường. Chẳng hạn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết đối với ngành y (Y đa khoa, Y học dự phòng) sẽ xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi THPT và tổ chức phỏng vấn.
Đối với các thí sinh có dự định đăng ký vào Khoa Y - ĐH Quốc gia TP HCM cần lưu ý, năm 2019, Khoa Y của trường sẽ tuyển mới ngành Răng hàm mặt. Lãnh đạo nhà trường cho biết, trong năm 2019, cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, điểm mới nhất là khoa sẽ dành khoảng 5% - 10% chỉ tiêu các ngành để xét bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức (năm 2018 khoa này không xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực). Khoa sẽ sàng lọc thí sinh trúng tuyển vào ngành y đa khoa thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp, để tìm ra những thí sinh có động cơ và tố chất phù hợp với ngành này.
Nguồn theo Báo điện tử Đại Đoàn Kết
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.