Theo dự thảo Thông tư tuyển sinh của Bộ Quốc phòng, các trường quân đội có thể tổ chức thi tuyển theo đề án tuyển sinh riêng của mình, sau khi đề án tuyển sinh riêng đó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Những ngành, trường nào được tuyển nữ?
Mới đây, trên cổng thông tin Bộ Quốc phòng đã đăng tải dự thảo thông tư tuyển sinh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội. Theo dự thảo này, về phương thức tuyển sinh các trường quân đội cũng được thực hiện như các trường dân sự, gồm có thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tuy nhiên, với trường quân đội, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện khi phương thức tuyển sinh có thay đổi. Nếu trường nào có đề án tuyển sinh riêng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì có thể tổ chức thi tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng.
Đối tượng tuyển sinh vẫn được chia thành 3 diện: hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ quân đội đủ 12 tháng trở lên; nam thanh niên ngoài quân đội; nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân.
Với nữ quân nhân, có một số ngành/ trường sau được tuyển, với số lượng chỉ tiêu hạn chế, nhưng nếu đã được tuyển thì được tuyển ít nhất 2 thí sinh. Cụ thể:
Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự. Tuyển không quá 6% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Tuyển không quá 10% chỉ tiêu đào tạo ngành tài chính vào đào tạo ngành tài chính tại Học viện Hậu cần.
Sử dụng 7 tổ hợp xét tuyển truyền thống
Theo dự thảo thông tư, năm nay các trường quân đội vẫn sẽ sử dụng 7 tổ hợp truyền thống để xét tuyển, bao gồm: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, tiếng Anh); B00 (toán, hóa, sinh); C00 (văn, sử, địa); D01 (toán, văn, tiếng Anh); D02 (toán, văn, tiếng Nga); D03 (toán, văn, tiếng Pháp); D04 (toán, văn, tiếng Trung Quốc).
Cụ thể, về tổ hợp xét tuyển của các trường:
Học viện Quân y: B00 và A00. Học viện Biên phòng: C00 và A01. Học viện Khoa học quân sự: D01, D02, D04 và A00, A01 (theo từng ngành tuyển sinh); Trường Sĩ quan Chính trị: C00, A00 và D01. Các Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện Phòng không - Không quân, Học viện Hải quân và các Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Sĩ quan Thông tin, Trường Sĩ quan Công binh, Trường Sĩ quan Đặc công, Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin - Hem Pich), Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp, Trường Sĩ quan Không quân, Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường Sĩ quan Phòng hóa tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển A00 và A01.
Trường hợp các trường có văn bản đề nghị thay đổi tổ hợp môn xét tuyển, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định và thông báo trong kế hoạch tuyển sinh, tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh vào các trường trong quân đội“.
Khi xét tuyển, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng quyết định điểm chuẩn tuyển sinh của các trường. Việc quyết định này dựa vào 2 nguyên tắc: Thực hiện một điểm chuẩn chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài Quân đội; thực hiện điểm chuẩn riêng theo từng tổ hợp môn xét tuyển, theo 2 miền Bắc - Nam hoặc theo từng quân khu.
Chỉ khi đăng ký nguyện vọng 1 vào quân đội mới được xét
Trong dự thảo Thông tư trên, Cục Nhà trường Bộ Tổng tham mưu (đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo thông tư) cũng đưa ra nhiều quy định chi tiết liên quan tới công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội, với những trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Hầu hết các quy định vẫn giữ ổn định mà các trường quân đội đã thực hiện từ nhiều năm nay.
Các thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội phải tham gia sơ tuyển và đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia trong năm đăng ký dự tuyển. Thí sinh phải sử dụng hồ sơ đăng ký sơ tuyển đại học, cao đẳng do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng in, phát hành thống nhất trong toàn quốc.
Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành). Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Các trường quân đội chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất). Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện có trách nhiệm thông báo rộng rãi, hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ sơ tuyển, thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng. Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện chủ động phối hợp với Ban Tuyển sinh Công an cấp huyện để đối chiếu danh sách thí sinh sơ tuyển.
Nguồn theo Báo Thanh Niên
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.