Tại TP.HCM hiện có khoảng hơn 10 trường đại học (ĐH), học viện tuyển sinh ngành Luật với chỉ tiêu tương đối cao. Trong đó, trường ĐH Luật TP.HCM là trường duy nhất tiếp tục duy trì tự tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào.
ĐH Luật TP.HCM tuyển 1.900 chỉ tiêu
Theo kế hoạch tuyển sinh dự kiến của trường ĐH Luật TP.HCM, năm 2019, trường sẽ tuyển khoảng 1.900 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực.
Phương thức này gồm hai bước với ba tiêu chí: xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực. Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển từng ngành và từng tổ hợp.
Cụ thể: Bước một trường xét tuyển sơ bộ, căn cứ vào số lượng thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển, trường sẽ xét điểm trung bình ở sáu học kỳ THPT của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển (dự kiến chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2019 (dự kiến chiếm tỷ trọng 60% điểm trúng tuyển) để xác định những TS đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ. Số lượng TS được xét đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ không quá 300% so với chỉ tiêu dự kiến được phân bổ theo ngành và tổ hợp xét tuyển.
Ở bước hai xét trúng tuyển, chỉ những TS đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ mới được thông báo tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực (dự kiến chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển).
Đáng lưu ý, năm nay trường chỉ sử dụng một cách thức đăng ký xét tuyển trực tuyến để đăng ký xét tuyển, kê khai thông tin cá nhân và nguyện vọng xét tuyển tại địa chỉ: dangkyxettuyen.hcmulaw.edu.vn.
Theo Th.S Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM, đề kiểm tra năng lực sẽ gồm 100 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 75 phút trên giấy với thang điểm 30. Nội dung bài thi gồm bốn nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; Kiến thức xã hội tổng hợp quan niệm của TS về công bằng xã hội, quyền con người, đạo đức công dân. Hai nhóm kiến thức còn lại là kiến thức về pháp luật, tư duy logic và khả năng lập luận.
ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển bốn nhóm Luật
Năm 2019, trường ĐH Kinh tế Luật dự kiến tuyển 390 chỉ tiêu cho bốn nhóm ngành luật là: Luật Kinh doanh quốc tế, Luật Dân sự, Luật Tài chính ngân hàng và Luật Thương mại quốc tế. Ngoài chương trình đại trà, khối ngành này đều có các lớp chất lượng cao. Riêng ngành Luật Tài chính ngân hàng năm nay sẽ có thêm lớp chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp.
Trường sẽ xét tuyển theo năm phương thức, cụ thể: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm 2019 của Bộ GD&ĐT; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (TS chỉ đủ điều kiện trúng tuyển khi điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia của ba môn tổ hợp xét tuyển đạt từ 21 điểm trở lên); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 (tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01); Xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT quốc tế bằng Tiếng Anh vào các chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.
ĐH Mở TP.HCM: Năm 2019 trường tiếp tục tuyển sinh hai ngành luật là Luật và Luật Kinh tế.
Về phương thức tuyển sinh, bên cạnh kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, trường sẽ bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập các môn theo tổ hợp xét tuyển ba năm THPT. Trong đó, hai ngành Luật và Luật Kinh tế sẽ tuyển các tổ hợp (Toán, Lý, Hóa; Toán, Lý, Anh; Văn, Sử, Địa; Toán, Văn, Ngoại ngữ). Và điểm trúng tuyển của tổ hợp văn - sử - địa cao hơn các tổ hợp còn lại 1,5 điểm.
Trường vẫn tiếp tục xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT. Điều kiện gồm tốt nghiệp THPT năm 2019, có hạnh kiểm tốt ba năm THPT, có kết quả học lực ba năm đạt loại giỏi và điểm trung bình chung của các môn trong tổ hợp xét tuyển của ba năm phổ thông không nhỏ hơn 7,0.
ĐH Ngân hàng: Tuyển 170 chỉ tiêu cho khối ngành Luật Kinh tế với tổ hợp A00, A01, D01, D96. Theo đó, trường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả điểm thi của TS trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trên phạm vi cả nước.
TS phải có kết quả điểm thi THPT quốc gia theo các tổ hợp môn đăng ký xét tuyển đạt ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do trường công bố.
ĐH Kinh tế TP.HCM: Năm nay trường tiếp tục tuyển sinh cho hai ngành Luật Kinh doanh và Luật Kinh doanh quốc tế với tổng chỉ tiêu là 150. Điểm thay đổi năm nay của trường là sẽ xác định điểm trúng tuyển theo ngành chứ không chung cho cả trường như những năm trước.
Phương thức tuyển sinh vẫn là dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, tổ hợp môn cho khối ngành luật là A00, A01, D01, D96. Đồng thời trường tăng chỉ tiêu xét tuyển thẳng lên 30% cho các đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
ĐH Công Nghiệp TP.HCM: Tiếp tục tuyển sinh hai ngành là Luật Kinh tế và Luật Quốc tế theo ba phương thức: Tuyển thẳng theo qui định của Bộ GD&ĐT; Dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia; Dùng kết quả học tập năm học kỳ THPT (không kể học kỳ hai năm lớp 12) các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng, với ngưỡng nhận hồ sơ là điểm trung bình ba môn trong tổ hợp xét tuyển phải ≥ 6.5 (ưu tiên học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; học sinh trường chuyên trên cả nước).
Trong đó, tổ hợp môn cho hai ngành luật này là A00, D01, C00 với môn chính ưu tiên là toán hoặc Văn.
HS tốt nghiệp THPT có cơ hội trúng tuyển ngành Luật Kinh tế quốc tế Năm 2019 là năm đầu tiên ĐH Quốc tế Sài Gòn mở ngành Luật Kinh tế quốc tế. Đối tượng tuyển sinh là HS tốt nghiệp các trường THPT tại Việt Nam. Trường sẽ tuyển theo hai phương thức: Thứ nhất, xét tuyển dựa vào kết quả lớp 12 là những em tốt nghiệp THPT, có điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt 6.0 trở lên; Điểm trung bình chung cả năm lớp 12 các môn thuộc khối xét tuyển đạt từ 6.0 trở lên; Xếp loại hạnh kiểm từ Khá trở lên; Tổ hợp môn xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa). Thứ hai, dựa vào kết quả thi THPT quốc gia: Xét tuyển thí sinh đạt mức điểm do trường công bố sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Tổ hợp môn xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D96 (Toán, Anh, KHXH). Ngoài ra, với học sinh nước ngoài và học sinh Việt Nam tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, học sinh học các trường quốc tế tại Việt Nam nếu muốn vào trường thì sẽ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Học phí của chuyên ngành cử nhân Luật Kinh tế quốc tế khoảng 47,8 triệu đồng/năm (đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt) và khoảng 122,2 triệu đồng/năm (đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh). Thời gian đào tạo là bốn năm. |
Nguồn theo Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.