Nhiều người bày tỏ băn khoăn về hiệu quả của kỳ thi THPT quốc gia, đề nghị tách riêng thi đại học với thi tốt nghiệp.
Sáng 31/5, sau khi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông tin về vụ gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 và nhận trách nhiệm cá nhân, nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận, đề nghị làm rõ vấn đề liên quan.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh) chia sẻ khó khăn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng ở góc độ quyền lợi cử tri, ông thấy Bộ trưởng Nhạ chưa đề cập đến việc giải quyết quyền lợi của thí sinh bị trượt oan. "Tôi đề nghị Bộ và các trường đã loại thí sinh gian lận phải gọi, bù lại số cháu mất cơ hội, bảo đảm công bằng", ông Bộ nói.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đại biểu Thái Trường Giang (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau) cho rằng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói kỳ thi THPT quốc gia đã đạt một số kết quả, nhưng "thực tế không thể hiện như thế". "Tôi đề nghị Bộ trưởng xem xét đánh giá tác động của việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giao cho các trường đại học tự chủ thi cử cả đầu vào và đầu ra", ông Giang nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Thái Bình) cũng tranh luận về kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thuận với đại biểu Thái Trường Giang, bà Dung cho rằng Bộ trưởng nói kỳ thi chung có ưu điểm, bất cập sẽ tìm cách khắc phục dần, nhưng từ khi tổ chức thi, những bất cập luôn có, hệ luỵ luôn xảy ra và năm 2018 là minh chứng.
Bà Dung cho rằng, việc hợp nhất hai kỳ thi có hai mục đích khác nhau còn xảy ra hệ luỵ khó lường. Xét công nhận tốt nghiệp theo bà là quá trình cả ba năm học THPT với khối lượng kiến thức lớn và vài môn thi của kỳ thi chung không đủ đánh giá. Hơn nữa, quá trình học, học sinh đều phải thi hết môn, đủ 5 điểm trở lên mới đạt yêu cầu, trong khi thi THPT quốc gia thì chỉ cần không có điểm liệt là sẽ được công nhận tốt nghiệp, như vậy là không công bằng.
"Hướng tới tự chủ đại học thì nên để các trường chủ động trong tuyển sinh và nên tách kỳ thi THPT quốc gia ra, trong đó việc xét tốt nghiệp giao lại cho các địa phương, không cần thi", bà Dung nói.
Tranh luận với đại biểu Thái Trường Giang và Nguyễn Thị Thu Dung, bà Nguyễn Thị Phúc (giáo viên Trường THPT Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nói luôn ủng hộ kỳ thi THPT quốc gia. Với kinh nghiệm của một giáo viên cấp ba, bà Phúc phân tích kỳ thi đã phát huy nhiều ưu điểm, giảm áp lực, tốn kém cho người dân, tạo điều kiện tối đa cho học sinh chọn trường, đồng thời tăng cường phân luồng. Khi thi tại địa phương, học sinh sẽ có tâm lý thoải mái, gia đình đưa con đi thi cũng giảm chi phí đi lại.
"Việc tổ chức thi còn giúp các trường phổ thông đánh giá chất lượng giảng dạy, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học. Thí sinh khi biết phải vượt qua kỳ thi THPT quốc gia sẽ học tích cực hơn. Vào phòng mỗi em một mã đề buộc các em phải học, thi thực chất, không có tâm lý dựa dẫm vào ai", bà nói và cho rằng nếu chỉ xét tốt nghiệp thì việc giảng dạy của giáo viên khó khăn, vì học sinh không tích cực học, đưa phương pháp dạy mới vào cũng sẽ khó khăn hơn.
Đại biểu Lê Tuấn Tứ (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa) cho rằng những tồn tại như gian lận thi cử do một số cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục gây ra, đáng bị lên án. Cá nhân dùng vật chất và tinh thần để mua chuộc người đang thi hành công vụ cần bị xử lý thích đáng.
"Chính họ là nguyên nhân gây ra những tiêu cực, làm xã hội mất niềm tin vào giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xử lý việc này chưa kịp thời, làm mất cơ hội của một số em đáng lẽ đã được vào đại học năm 2018", ông Tứ nói và đề nghị Chính phủ tổng kết việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, xem xét lại có nên cần duy trì một kỳ thi với hai mục đích hay không.
Ngoài vấn đề thi THPT quốc gia, đại biểu Thái Trường Giang cũng nhận định, bệnh thành tích trong giáo dục là trầm kha, liên quan đến các ngành khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục đã không đề cập đến vấn đề này. "Tôi cho rằng cần có biện pháp dứt khoát hơn để chấn hưng nền giáo dục nước nhà chứ không chỉ chung chung như Bộ trưởng đã trình bày", đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Kỳ thi THPT quốc gia áp dụng từ năm 2015 với hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thay vì phải thi nhiều lần, ở nhiều địa điểm, thí sinh dự thi ở các cụm (năm 2015-2016) hoặc ngay tại địa phương (năm 2017-2018) và kéo dài tối đa ba ngày. Tuy nhiên, sau vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, rất nhiều vấn đề của kỳ thi được đặt ra như: mục đích thi THPT quốc gia là gì, có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, ai đứng ra tổ chức...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau đó khẳng định, mục đích chính của thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp, việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chủ trì là đúng. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ gian lận trong khâu chấm thi trắc nghiệm, năm nay Bộ sẽ giao các trường đại học chủ trì chấm thi.
Ngày 11/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia. Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có số lượng điểm giỏi cao bất thường. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018. Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 ở Sơn La được nâng điểm. Trong đó, có thí sinh được nâng tới 9,25 điểm một môn và 26,55 điểm tất cả môn. Nhiều em từ điểm giỏi biến thành điểm liệt. Khoảng 20 cán bộ giáo dục, công an của ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã bị khởi tố, nhưng người đứng đầu ngành giáo dục, ban chỉ đạo thi ở ba tỉnh vẫn chưa bị xử lý. |
Nguồn theo Báo điện tử Vnexpress
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.