Khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh không thể tránh khỏi tâm lý căng thẳng, lo lắng. Tuy nhiên, đừng để tâm lý xấu ảnh hưởng tới kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh của bạn.
Trước ngày thi
- Chuẩn bị sẵn sàng kiến thức: Kiến thức là yếu tố đầu tiên có tính quyết định tới điểm thi của bạn. Chỉ khi chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ kiến thức thì bạn mới không bị bỡ ngỡ dù gặp bất kỳ dạng câu hỏi nào trong đề thi. Kể cả khi bạn tự tin đến đâu nhưng không có gì trong đầu thì cũng không thể làm được bài.
- Đảm bảo ăn ngủ đầy đủ: Tuy nhiên, không vì mải mê học quá mà dẫn đến stress. Nhiều bạn vì quá tập trung ôn tập ngày đêm mà tâm trạng lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi. Các bạn chỉ nên ôn tập đến ngày 23/6 thôi để đầu óc được tỉnh táo, thư giãn. Hãy chú ý đảm bảo cả thời gian ăn ngủ thư giãn hợp lý nhé. Những ngày gần thi như này, đừng ăn vội vàng. qua loa đại khái mà hãy đối xử tốt với bản thân bằng cách ăn uống đầy đủ, ăn những thứ tốt cho cơ thể, tăng sức khỏe và trí nhớ như sữa chua, bí đỏ, cá, trứng, rau...
- Suy nghĩ theo hướng tích cực: Đến thời điểm gần đi thi, các bạn thường nghĩ mọi chuyện theo hướng tiêu cực như: Không đỗ đại học thì phải làm sao? Không đạt điểm cao thì ra sao? Nếu không làm được bài thì phải làm sao bây giờ?... Những suy nghĩ này chỉ khiến các bạn thêm stress mà thôi. Thay vào đó, bạn hãy nghĩ tích cực hơn, liên tưởng ra những viễn cảnh tốt đẹp hơn như : Đỗ Đại học bố mẹ sẽ thưởng gì?, Lên Đại học mình sẽ làm gì? Đỗ Đại học mình sẽ được gì?.... Cách suy nghĩ này sẽ giúp bạn phấn chấn, tự tin hơn nhiều.
Khi đi thi
- Đến sớm khoảng 15-20 phút trước giờ phát đề: Đến sớm để giúp bạn ổn định tâm lý, có thời gian tịnh tâm, giảm căng thẳng. Giải quyết tâm lý giai đoạn này là bước khởi đầu để thí sinh có thể an tâm làm bài thi. Trong khi vào phòng thi, nếu vẫn cảm thấy lo lắng, bồn chồn quá mức, nhân lúc chưa phát đề thi, bạn có thể xin giám thị ra khỏi phòng thi một lúc, hít thở không khí trong lành, đi lại vài bước. Cách này để bạn lấy lại bình tĩnh khi làm bài.
- Điền đầy đủ thông tin ngay khi nhận: Thí sinh cần điền thông tin như số báo danh, mã đề thi, họ tên... ngay đầu giờ đừng để tới cuối giờ mới điền. Bởi rất nhiều bạn quên luôn cả việc này vì quá tập trung vào làm bài.
- Kiểm tra lại thông tin cá nhân, kiểm tra đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời... xem có bị rách, bị mất hay có lỗi gì hay không. Khi phát hiện có sai sót phải báo ngay với giám thị.
- Đọc kỹ đề thi và phân bố thời gian hợp lý khi làm: Các bạn nên mang theo một chiếc đồng hồ phù hợp để theo dõi thời gian, tốc độ làm bài của mình. Nhớ phân bổ thời gian hợp lý, đừng chìm đắm vào 1 câu nào quá để rồi không có đủ thời gian làm các câu sau. Tất nhiên nên làm các câu dễ trước. Đề sẽ phân bố từ dễ tới khó nên các câu cuối sẽ khó vì thế đừng làm từ cuối lên mà hãy làm từ trên xuông.
- Không quay ngang, quay ngửa, cũng đừng chú ý đến xung quanh: Việc thí sinh quá chú ý đến xung quanh, thấy các bạn khác làm bài nhanh hơn mình sẽ dễ bị phân tâm, mất bình tĩnh. Không những thế việc quay ngang quay ngửa khi không cần thiết khiến giám thị chú ý và dễ tạo áp lực lên tinh thần bạn. Nếu cảm thấy bí bách, không thể làm tiếp, hãy mạnh dạn vươn vai và làm một số động tác để giải tỏa tinh thần.
Suzy