Giáo viên nhận định đề thi tốt nghiệp THPT các môn Lịch sử, Địa lý khó hơn năm ngoái, thí sinh không dễ đạt điểm 8, 9.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Sáng 29/6, thí sinh cả nước bước vào bài thi tổ hợp với thời gian 50 phút mỗi môn. Các môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) được đánh giá có mức độ phân hóa cao hơn đề năm 2022. Đặc biệt, môn Địa được đánh giá khó hơn môn Lịch sử.
Môn Lịch sử
Cô Lê Thu, giáo viên lịch sử trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết nội dung đề thi tập trung trọng tâm vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, kiến thức rơi nhiều nhất vào nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975.
Đề thi phân hóa từ câu 31, và phân hóa mạnh ở câu 38, 39, 40. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi tương đối giống đề thi tốt nghiệp THPT chính thức năm 2022 và bám sát đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT.
Với đề thi này, học sinh dễ dàng đạt 5-6 điểm để xét tốt nghiệp. Những em vượt qua từ câu 36-40 sẽ có thể đạt điểm 9, 10.
Cô Đinh Thị Trang Nhung, Trưởng bộ môn Lịch sử, trường THCS & THPT M.V. Lômônôxốp, Hà Nội, nhận xét đề Lịch sử có cấu trúc tương tự các năm trước, bám sát chương trình, nhưng số lượng câu khó nhiều hơn đề năm 2022. Đề có 4 câu thuộc kiến thức lớp 11, còn lại thuộc kiến thức lớp 12.
Năm nay, số câu hỏi lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930-1945 khá ít (4 câu), giai đoạn 1919-1930 nhiều nhất (9 câu). 10 câu hỏi cuối độ khó tăng lên nhằm phân loại học sinh, đòi hỏi các em phải thông hiểu và biết vận dụng.
Theo cô Trang, với đề Sử năm nay, học sinh có thể đạt điểm 5-7 nếu nắm kiến thức cơ bản, từ 8 trở lên đòi hỏi kiến thức, kỹ năng nhiều. Cô dự đoán phổ điểm dưới 5 sẽ giảm, học sinh đạt điểm 5-6 nhiều, còn ở mức trên 8, đặc biệt là 9-10 sẽ ít hơn năm ngoái.
Môn Địa lý
Theo Th.s Nguyễn Thị Mai, tổ trưởng Tổ địa lý, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM, đề thi môn địa năm nay khá hay. Điểm nổi bật của đề thi là việc phân hóa thí sinh rất rõ rệt, mức độ khó cao hơn năm trước.
Trong đó, phần kỹ năng năm nay không dễ lấy điểm như năm trước. Với câu hỏi về Atlat, nếu thí sinh không có sự luyện tập nhuần nhuyễn với Atlat thì sẽ mất khá nhiều thời gian. Riêng câu hỏi về số liệu, biểu đồ cũng khó hơn năm 2022, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy tốt mới làm đúng.
Tóm lại, năm nay để lấy điểm 9, 10 môn địa sẽ không dễ dàng, trừ những thí sinh giỏi, có tư duy logic và ôn luyện kỹ càng. Với những thí sinh trung bình, nếu có học bài và làm bài cẩn thận vẫn có thể đạt được 5 điểm để tốt nghiệp THPT.
Môn GDCD
Với môn Giáo dục công dân, cô Vũ Thị Thanh Nga và Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, đánh giá độ khó tương đương năm ngoái.
Đa số câu hỏi nằm trong các chủ đề quen thuộc của lớp 12 như: Các loại vi phạm pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống; Công dân với các quyền tự do cơ bản; Công dân với các quyền dân chủ.
Một số câu khó rơi vào phần: Công dân với các quyền tự do cơ bản; Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; Công dân với các quyền dân chủ; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống.
Các câu hỏi nằm trong tầm kiến thức cơ bản, không đánh đố, không đòi hỏi tư duy nhiều. Câu hỏi vận dụng cao có tình huống tương đối dài, nhiều tình tiết, đòi hỏi học sinh phải biết phân tích, nhận diện chuyên sâu. Cô Nga nhận xét và dự đoán nhiều thí sinh sẽ được 7,5-8,75 điểm, điểm 9 trở lên dành cho học sinh giỏi.
Xem thêm: |
Jennie
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.