CỔNG THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG LỚN NHẤT VIỆT NAM

Học như thế nào để trở thành thủ khoa Đại học?

Cập nhật: 30/09/2024

Mỗi thủ khoa đầu ra Đại học lại có bí quyết riêng nhưng chung quy lại đều là sự nghiêm túc, nỗ lực và phải biết đặt mục tiêu trong việc học. 

Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. 

Không nghỉ một buổi học nào

Nguyễn Khánh Linh, sinh viên chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, thuộc ngành Kinh doanh quốc tế, vừa trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Ngoại thương năm 2024 với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc cùng bảng điểm 45 môn toàn A. Điểm trung bình chung tích lũy đạt 4.0/4.0.

Đạt được kết quả ngày hôm nay, cô tiết lộ bản thân không có bí quyết đặc biệt mà đơn giản là xác định ưu tiên hàng đầu cho việc học nên giữ vững tinh thần học tập trong quãng thời gian là sinh viên. Theo Linh, sự chăm chỉ rất quan trọng và cố gắng không nghỉ một buổi học nào.

"Ở trên lớp, em được nghe giảng trực tiếp từ thầy cô, vừa giúp bản thân dễ nắm bắt kiến thức vừa tiết kiệm được thời gian ôn tập khi về nhà. Từ đó việc ôn thi cũng dễ dàng hơn", Linh chia sẻ.

Trong quá trình học, đặc biệt lúc gần thi, Linh thường đọc lại những kiến thức lý thuyết căn bản, trước khi liên hệ áp dụng thực tiễn hay giải quyết các bài tập. Ưu tiên hàng đầu cho việc học và có kế hoạch rõ ràng, Khánh Linh đạt học bổng khuyến khích học tập của trường cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc trong 6 học kỳ. Cô bạn cũng học và thi đạt IELTS 8.0, đạt chứng chỉ tiếng Trung HSK 3 (cấp độ cao nhất là 6).

Khánh Linh cho hay, điều bản thân còn tiếc nuối là không tham gia được nhiều hơn những hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. 

Cô tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ hai, tập trung vào lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông sản. Khánh Linh là tác giả của 5 bài báo khoa học (2 bài được đăng trong các kỷ yếu hội thảo quốc tế, 1 bài đăng trên Tạp chí Tài chính, 2 bài đăng ở kỷ yếu hội thảo của trường), trong đó 4 bài được viết bằng tiếng Anh. Linh cũng từng đạt giải Khuyến khích ở cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022.

Không coi nhẹ bất kỳ kiến thức nào

Thế An sinh năm 2002, từng là thủ khoa khối A1 của tỉnh Bắc Ninh năm 2020. Khi ấy, nam sinh đạt 29,1 điểm, chưa tính điểm cộng, xếp thứ 5 cả nước. Với điểm số này, An trúng tuyển vào ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nam sinh cho hay, khi mới vào trường, em không đặt mục tiêu phải trở thành thủ khoa vì biết chương trình của Bách khoa vốn rất nặng và khó. Nhưng từ sớm, em đã lên kế hoạch phải đạt được học bổng khuyến khích học tập của trường để giúp bố mẹ không phải thêm gánh nặng học phí.

Không gặp rào cản vì chương trình phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh do đã có gốc từ trước, nhưng trong giai đoạn đầu, An cũng cảm thấy khó thích nghi vì “mỗi môn học là một mảng kiến thức khác nhau”. Muốn đạt được điểm cao, sinh viên cần nắm chắc nội dung môn học.

“Có những môn lý thuyết, lượng slide bài giảng của thầy cô lên tới hàng nghìn trang, chẳng hạn như môn Hệ điều hành hay Kiến trúc máy tính... Để hiểu được nội dung bài, em thường phải xem trước slide được cung cấp, sau đó lên lớp tiếp tục lắng nghe thầy cô giảng”.

Theo An, sinh viên không nên coi nhẹ và bỏ qua bất kỳ nội dung kiến thức nào mà phải học hết. Thậm chí, người học nên tự mở rộng kiến thức thông qua sách vở, nghiên cứu trên Internet và làm nhiều bài tập để ghi nhớ lâu hơn.

Việc ôn thi cũng nên lên kế hoạch từ sớm, khoảng một tháng trước kỳ thi để không bỏ sót bất kỳ nội dung nào. “Những kỳ đầu có thể hơi khó, nhưng khi đã dần quen với cách học ở bậc đại học, các kỳ sau sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều”, An nói.

Sang năm thứ 3, khi bắt đầu tham gia vào lab nghiên cứu về học máy của PGS.TS Thân Quang Khoát (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội), Thế An dần nhận ra điểm số không phải là tất cả.

“Ngành trí tuệ nhân tạo giờ đây phát triển nhanh chóng, liên tục đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, sinh viên cũng cần học cách nghiên cứu, nâng cao nền tảng kiến thức. Thực tế, nhiều bạn cùng lớp với em điểm có thể không cao bằng, nhưng các bạn nghiên cứu rất tốt. Khi ấy em nhận ra, bản thân vẫn phải học hỏi rất nhiều”.

Đặt mục tiêu sẽ đi theo con đường nghiên cứu, song song với việc học, từ năm 3, An bắt đầu tích cực nghiên cứu, thực hiện các đề tài được giao tại lab. Hiện An có 2 bài báo là đồng tác giả đang được bình duyệt tại Hội nghị quốc tế về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh (NeurIPS 2024).

Chỉ giáo trình là chưa đủ 

Nguyễn Hữu Luân, quê Tiền Giang, ngành Sư phạm Tiếng Anh, là thủ khoa toàn trường ĐH Sư phạm TPHCM với điểm tổng kết 3,93/4. Khi mới bước chân vào ngưỡng cửa Đại học, quen với lối học thời phổ thông, Luân cứ nghĩ thầy dạy bao nhiêu thì chỉ cần nhớ, ôn tập bấy nhiêu thôi là đủ để thi. Nhưng thực tế, thang điểm luôn có yêu cầu vận dụng, liên hệ cá nhân. Không kịp thích nghi nên kết quả của Luân trong năm đầu không cao và sốc khi các bạn được học bổng còn mình thì không. 

Từ năm thứ hai, Luân đặt mục tiêu không những cải thiện điểm số mà còn phải trở thành người dẫn đầu. Nam sinh nhìn nhận nếu chỉ dựa vào giáo trình là chưa đủ mà phải chủ động tìm đọc các đầu sách tham khảo khác. Để hiệu quả, Luân đọc kỹ rồi ghi chú, soạn lại thành một bộ đề cương cho riêng mình để ôn tập.

Áp lực lớn nhất đến với Luân vào đầu năm thứ ba. Nam sinh đăng ký đến 13 môn học, gấp đôi so với thông thường, gồm cả những môn để cải thiện điểm và môn chuyên ngành. Luân cho hay lịch học mỗi ngày hai buổi kéo dài từ thứ hai đến thứ bảy, song căng thẳng nhất vào các đợt kiểm tra cuối kỳ. Gần như mỗi môn thi chỉ cách nhau một ngày, khiến Luân hoảng hốt. Nam sinh gần như không dám ngủ trong một tuần vì sợ không kịp ôn tập cho môn sau, phải uống cà phê, trà liên tục để tỉnh táo. Đôi lúc, Luân chợp mắt khoảng 1, 2 tiếng rồi học tiếp.

Luân cho biết sẽ tiếp tục học lên cao để có cơ hội giảng dạy ở bậc đại học. Nam sinh đã nộp hồ sơ vào chương trình thạc sĩ ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy ở Đại học Sư phạm TP HCM.

Song song đó, Luân dự định thử sức với kỳ thi TOFEL, lấy chứng chỉ tiếng Trung HSK5 và học giao tiếp tiếng Thái.

Học mỗi ngày, kể cả ngày lễ

Nguyễn Văn Phú (sinh năm 2002, quê Bình Định) theo học lớp Tài năng Hóa học, vừa trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên năm nay với điểm GPA đạt 3.92/4.0. 

“Ban đầu, em chỉ đặt mục tiêu tốt nghiệp loại Xuất sắc chứ không dám nghĩ tới việc trở thành thủ khoa. Tuy nhiên sau năm nhất, em cảm thấy điểm các môn đều khá ổn nên cố gắng hết sức có thể”.

Kỷ luật trong học tập là điều Phú tự đặt ra cho bản thân suốt 4 năm đại học. Nam sinh học hàng ngày, không bỏ sót bất kỳ hôm nào, kể cả ngày lễ. 

Với các môn đại cương, mỗi khi lên lớp, Phú đều tập trung nghe giảng thay vì ghi chép nhiều trong vở. Theo Phú, chính việc chăm chỉ nghe giảng để hiểu vấn đề sẽ giúp bản thân tiến bộ nhanh hơn chứ không phải bằng việc “chép đầy cuốn vở”.

Sau khi về nhà, nam sinh thường tự viết lại những gì đã học được trong buổi hôm đó, biến những điều thầy cô dạy thành kiến thức của riêng mình. Với những mảng nội dung chưa nhớ, Phú thường bật ghi âm để nghe lại hoặc mượn vở của các bạn, bổ sung những điều không thể nhớ và viết ra.

“Quá trình thẩm thấu và hiểu kiến thức mới cần có thời gian để cập nhật. Do đó với những điều không ghi ra được, em thường nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại để dần nhớ và hiểu”. Cũng nhờ việc học hiểu bản chất vấn đề, quá trình ôn thi của Phú cũng không quá vất vả.

Xem thêm: 

WY

Tin tức liên quan

[THÔNG BÁO] trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn miễn 100% học phí năm 2024 09:49 14/07/2023 Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn công bố thông tin học phí, mã trường, điều kiện xét tuyển... [CĐ Y Khoa Phạm Ngọc Thạch] Chắc suất Cử nhân Y Dược chỉ cần tốt nghiệp THPT 2024 16:14 08/06/2024 Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đang là địa chỉ đào tạo nhóm ngành Y Dược tại khu vực Tp.... Danh sách tổng hợp các ngành nghề hiện nay 00:43 09/11/2024 Hiện nay cơ hội nghề nghiệp ngày càng đa dạng, với nhiều ngành nghề khác nhau. Các ngành nghề... Tuyển sinh 2025: Thêm một trường ĐH bỏ xét học bạ, xét tuyển cả Công nghệ và Tin học 18:32 18/12/2024 Các trường ĐH đang dần công bố phương án tuyển sinh cho năm 2025. Mới đây, trường ĐH Công nghiệp... 3 điểm mới trong phương án tuyển sinh 2025 của các trường ĐH 19:11 17/12/2024 Hiện tại, một số trường Đại học đã thông báo về phương thức tuyển sinh năm 2025. Có thể dễ dàng... 7 sai lầm khi ôn thi Đại học mà 2k7 dễ mắc phải 19:13 14/12/2024 Ôn thi ĐH sai cách có thể khiến bạn mệt mỏi và không đạt hiệu quả cao. Vì thế học sinh cần tránh... Nhìn lại hơn 20 năm thay đổi kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH ở Việt Nam 19:31 10/12/2024 Hơn 20 năm qua, việc tuyển sinh đại học có khá nhiều thay đổi, vài năm trở lại đây, rất nhiều...

Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước. 

Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.

Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.

 
Hợp tác truyền thông
DMCA.com Protection Status
Giới thiệu | Bản quyền thông tin | Chính sách bảo mật